Cồng Chiêng Tây Nguyên là 2 loại nhạc cụ độc đáo của người dân tộc vùng núi nước ta. Cồng chiêng gắn liền với cuộc sống người dân, là tiếng nói tâm hồn miêu tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động hằng ngày.
Cồng là loại nhạc khí được làm bằng hợp kim của đồng, có khi được pha với vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, còn chiêng thì không có núm, loại nhạc khí này có nhiều kích cỡ và đường kính dao động từ 20 - 60cm, loại to nhất là từ 90 - 120 cm. Cồng hoặc chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc theo dàn 2 - 13 chiếc, có thể lên tới 20 chiếc. Đây là loại nhạc cụ rất độc đáo và đặc sắc. Dàn cồng chiêng lấy thang bồi âm tự nhiên làm thang âm riêng của mình
Theo nhiều nghiên cứu về nguồn gốc, chiêng là hậu duệ của nhạc cụ đàn đá. Từ thời xưa, chiêng được sử dụng để mừng mùa lúa mới, biểu hiện tín ngưỡng và là phương tiện giao tiếp giữa con người với siêu nhiên. Âm thanh chiên ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc khi trầm hùng, hóa quyện với tiếng chảy của suối, tiếng gió thồi và tiếng lòng người con vùng đất Tây Nguyên.