Nguồn gốc, xuất xứ của sáo Huân
Sáo Huân là một trong những loại nhạc cụ thổi cổ xưa, đã tồn tại khoảng 7000 năm về trước. Thời cổ, người ta thường dùng dây buộc quả bóng làm bằng đá hoặc bằng đất để ném lên chim thú. Có những quả bóng rỗng ở bên trong, khi tung lên trời gặp gió sẽ phát ra tiếng. Sau này, mọi người thấy thú vị, bèn lấy quả bóng đó thổi chơi, sau đó dần dần nó trở thành Huân.
Khoảng 4000 đến 5000 năm trước, Huân đã phát triển từ 1 lỗ âm thành 2 lỗ âm, có thể thổi ra 3 âm điệu. Đến thời Xuân Thu, Huân đã có 6 lỗ âm, có thể thổi ra 7 âm điệu hoàn chỉnh.
Cấu tạo của sáo Huân
Lúc đầu, sáo Huân phần lớn được làm từ đá và xương, sau đó dần dần phát triển thành làm bằng đất. Huân có nhiều hình dáng, trong đó Huân hình quả lê phổ biến nhất.
Cấu tạo của Huân ở trên hơi nhọn, dưới nở ra và có đáy phẳng. Phía trên cùng có 1 lỗ, phía trước có 5 lỗ, phía sau có 2 lỗ. Huân thổi lên tiếng lớn như còi thét. Ống Huân lớn bằng trứng ngỗng được gọi là Nhã Huân, nhỏ bằng trứng gà thì gọi là Tụng Huân.